(23/06/2018) Đối với Việt Nam, việc sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên đang ngày càng cấp thiết nhằm tiết kiệm tài nguyên cát, một loại tài nguyên khó có khả năng tái tạo.

Trên thực tế, nguyên liệu để làm cát nhân tạo rất dồi dào, bất cứ loại đá nào có cường độ tốt, ổn định, có thể dùng làm nguyên vật liệu xây dựng đều có thể làm nguyên vật liệu để sản xuất cát nhân tạo như đá vôi, đá granite, đá cuội, sỏi..., thậm chí cả đá cát kết trong quá trình bóc chất thải của ngành tha, đá cát trong phá dỡ công trình xay dựng cũ.

Quy trình làm cát nhân tạo cũng rất đơn giản. Các vật liệu được sàng tuyển, rửa, loại bỏ các tạp chất, sau đó được nghiền theo kích thước đạt tiêu chuẩn cỡ hạt, dùng vào các mục đích như xây, trát, trộn bê tông...
 


Ngoài việc tiết kiệm tài nguyên, giảm những tác động tiêu cực đến môi trường, cát nhân tạo có ưu thế nổi bật so với cát tự nhiên là hạt cát nhân tạo đồng đều hơn, có thể điều chỉnh modun và tỷ lệ thành phần hạt nên góp phần quan trọng tiết kiệm các nguyên liệu khác như xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình.

Hiện cả nước có hơn 20 cơ sở sản xuất cát nhân tạo, 1 năm sản xuất được khoảng 3 triệu m3, chỉ bằng 2% so với khối lượng cát tự nhiên được tiêu thụ. Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng sản xuất cát nhân tạo và nhu cầu thị trường.

Có thể thấy tiềm năng và nhu cầu sản xuất cát nhân tạo ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, việc ứng dụng rộng rãi loại vật liệu thân thiện với môi trường này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng cát nhân tạo trong các công trình xây dựng, giảm sức ép khai thác cát tự nhiên trái phép, Bộ Xây dựng đang đề xuất và triển khai nhiều giải pháp như tăng thuế bảo vệ môi trường đối với cát tự nhiên, hỗ trợ sản xuất cát nhân tạo thông qua các công cụ kinh tế và môi trường cũng như nhiều giải pháp về truyền thông.

Có thể nói, việc tháo gỡ những khó khăn trong việc sản xuất, tiêu thụ cát nhân tạo, đang đặt ra cấp bách. Bởi theo dự báo của Bộ Xây dựng với tốc độ sử dụng cát tự nhiên dùng cho san lấp được dùng ồ ạt như trong thời gian qua, chỉ trong một thời gian ngắn nữa, trữ lượng cát tự nhiên của Việt Nam sẽ cạn kiệt. 

 Nhìn ra các nước trong khu vực và trên thế giới, có thể thấy nhiều quốc gia từ lâu đã sử dụng rộng rãi cát nhân tạo trong các công trình xây dựng như Nhật Bản.

 


Cát nhân tạo tại Nhật Bản.


Ngay từ những năm 1960, Nhật Bản vẫn là một nước hoàn toàn sử dụng cát tự nhiên trong xây dựng. Nhưng chỉ 10 năm sau, năm 1970, kinh tế phát triển nhanh, tất yếu dẫn đến bùng nổ trong xây dựng tại Nhật Bản. Cát tự nhiên vừa thiếu, vừa bị khai thác tràn lan, làm suy thoái môi trường tại các con sông, cửa biển. Các quy định thắt chặt việc khai thác cát tự nhiên được đưa ra, mở ra thời kỳ phát triển kỹ thuật sản xuất cát nghiền hay cát nhân tạo sử dụng trong xây dựng của đất nước Mặt trời mọc.

Cát, sỏi tự nhiên tại các con sông, suối đã được Nhật Bản hạn chế khai thác từ những năm 1970, khi đánh thuế rất cao đối với người khai thác. Chỉ một lượng nhỏ được sử dụng trong những ngành công nghiệp, dịch vụ đặc thù. Cát biển bị cấm khai thác kể từ những năm 2000, thay cho quy định hạn chế trước đó.

Do giá thành cát, sỏi tự nhiên rất đắt đỏ nên hầu hết hiện nay cát sử dụng trong xây dựng là loại cát nhân tạo nghiền từ các loại đá trong tự nhiên hoặc bê tông tháo dỡ từ các công trình cũ. Tùy thuộc vào kích cỡ của nghiền khác nhau mà cát, sỏi nhân tạo được sử dụng làm bê tông, san lấp hay xây trát.

Riêng đối với cát nhân tạo được dùng làm nguyên liệu trong sản xuất bê tông được Nhật Bản quy định và quản lý rất chặt chẽ. Nhật Bản sử dụng 2 tiêu chuẩn JISA5005 và JISA5012 để quy định về chất lượng đạt chuẩn của cát nhân tạo sử dụng cho sản xuất bê tông. Những cơ sở sản xuất có được giấy chững nhận này mới được phép sản xuất cát nhân tạo sản xuất bê tông.

Nhật Bản xem việc khai thác cát, sỏi tự nhiên là hủy hoại môi trường sống hoang dã tại các con sông, con suối hay khu vực bờ biển. Lịch sử cũng cho thấy, thời điểm hạn chế khai thác cát tự nhiên, giá cát bị đẩy lên cao cũng là lúc kỹ thuật sản xuất cát nhân tạo đã có bước ngoặt, tạo đà cho các máy nghiền đá thành cát của nước này xuất khẩu đi khắp thế giới".

Không sử dụng cát tự nhiên, thay thế bằng sử dụng cát nhân tạo sẽ mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế và môi trường cho Việt Nam. Điều này đồi hỏi sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc làm cho cát nhân tạo ngày càng ứng dụng nhiều trong xây dựng.

Nguồn: Tổng hợp